Cánh cò cõng nắng cõng mưa - Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương - Ba tôi nặng gánh bụi đường - Dõi theo từng bước dặm trường con đi…
Diễn viên điện ảnh Hồng Ánh
Câu ca ấy bằng giai điệu đã đi vào lòng người và thấm sâu hơn bao lời rao giảng đạo đức. “Đi thuyết giảng nhiều nơi, tôi nhận ra rằng nhiều khi chỉ với một ca khúc, đã mang sức mạnh thức tỉnh được tính thiện trong con người. Nghe một bản nhạc mà người ta có thể sống tử tế hơn, hướng thiện hơn thì đó là điều cần khuyến khích phát triển. 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong giới nhạc sĩ, giới làm nghệ thuật, chùa Hoằng Pháp đẩy mạnh việc đầu tư sản xuất các chương trình âm nhạc qua CD, chuyển tải những thông điệp tôn vinh cuộc sống, tình yêu thương, ơn nghĩa sinh thành… Ghi nhận từ các khóa tu tập cho đông đảo người dân đến tham dự tại chùa Hoằng Pháp, cho thấy âm nhạc Phật Giáo, bên cạnh dòng nhạc tán thán, hoằng dương Phật pháp, giờ đây bắt đầu có sức cuốn hút cả về ca từ lẫn giai điệu. Tất cả mang hơi thở của đời sống hơn, đậm đà trữ tình của lòng yêu thương giữa con người với con người. Nói một cách khác, những nhạc phẩm mang tinh thần của Phật Giáo hôm nay hoàn toàn có thể hiện diện trong các chương trình nghệ thuật”. Đại đức Thích Tâm Hải, chùa Hoằng Pháp, cho biết như vậy.
Đại đức Thích Tâm Hải cũng là tác giả của nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca trữ tình, nếu như chỉ cần ký bằng một nghệ danh, ít ai nghĩ rằng tác giả đó là một vị chân tu. Cùng dòng nhạc mang tinh thần Phật Giáo ấy, còn có nhạc sĩ Võ Tá Hân – một guitarist tên tuổi, với hàng loạt CD về tình mẹ, về sự bao dung của lòng yêu thương. “Ngày xưa có mẹ”, phổ bài thơ cùng tên của Thanh Nguyên, chính là ca khúc của Võ Tá Hân giờ đây gần như song hành với “Bông hồng cài áo” (lời của Thiền sư Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ) trong hầu hết các chương trình tôn vinh ơn nghĩa sinh thành.
“Ngày lại qua ngày khi con của tôi càng lớn thì tôi lại nơm nớp một nỗi buồn và cảm thấy sợ… Sợ rồi đây sẽ có một mùa Vu Lan nào đó mình không được cài lên ngực áo mình bông hồng màu đỏ thắm, sợ một ngày nào đó sẽ mất đi nửa bầu trời yêu thương, rồi một ngày nào đó sẽ không còn nhìn thấy bầu trời yêu thương của mình nữa… Nhưng biết phải làm sao? Vì đó là quy luật của cuộc đời, ai cũng có ngày cài lên ngực mình màu hoa trắng chia ly. Hãy sống sao cho xứng đáng hơn cho ơn nghĩa sinh thành ngay từ hôm nay!”. Diễn viên điện ảnh Hồng Ánh (ảnh) tâm sự ngay sau khi thưởng thức những nhạc phẩm trong lễ cài hoa mùa Vu Lan 2010 tại chùa Hoằng Pháp.
“Triết lý nhà Phật, có lẽ không cao xa khó hiểu. Nghe những nhạc khúc tại ngôi chùa Hoằng Pháp, tôi hiểu rằng Phật đang hiện diện ngay tại ngôi nhà của mình qua hình ảnh người cha, người mẹ. Thờ cha, kính mẹ ấy là đi tu. Cảm ơn giai điệu và ca từ của dòng nhạc mang tinh thần yêu thương giữa con người với con người…”. Cao Minh Trí, một sinh viên năm thứ nhất khoa Văn học và Ngôn ngữ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ.
Hôm nay con đã bao lần dừng chân trên phố quen - Ngả nón cúi chào xe tang qua phố - Ai mất Mẹ sao lòng con hoảng sợ - Tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình - Chút lòng thành xin thắp một bình minh - Trên đời Mẹ bao năm rồi tăm tối - Lời thơ như một nụ hồng trắng - Con xin cài sẵn cho những ngày sắp tới… (Đỗ Trung Quân). Lời thơ vang lên trong mùa Vu Lan vừa qua của chùa Hoằng Pháp, nhận được rất nhiều chia sẻ như lời của bài hát vang vọng khắp sân chùa sáng đại lễ hôm đó: Một bông hồng cho anh - Một bông hồng cho em - Và một bông hồng cho những ai - Cho những ai…! - Đang còn Mẹ trên cõi đời này!
Thuở sinh tiền, khi một người phỏng vấn cho rằng có một “dòng hiện sinh âm ỉ, nồng nàn” trong những bài hát của Trịnh Công Sơn, ông đáp rằng: “Bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống”. Điều này được xác nhận khi trong đại lễ Vu Lan tại chùa Hoằng Pháp, không có những rao giảng đạo pháp nặng tính kinh điển, mà kèm theo đó là dòng nhạc – nói như Trịnh Công Sơn: giúp người nghe nhìn lại mình, để sống yêu thương hơn, tử tế hơn.