Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của việc “chắp tay” khi lễ bái hoặc chào nhau của người con Phật? - Diệu Tâm (xã Bình An, huyện Thuận An)
Đáp:
Phật dạy: “Mỗi người chúng ta đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật”. Khi chắp tay chào nhau chính là chào Phật tánh của nhau, chứ không phải là cách chào xã giao thông thường.
Chắp tay, nguyên tiếng Hán Việt là hiệp chưởng, tiếng Phạn là Ãnjali. Hiệp chưởng còn gọi là hiệp thập. Theo từ điển Phật học Huệ Quang, tập 4, trang 2.863 có giải thích như sau, chắp 2 bàn tay, tập trung tư tưởng, cung kính lễ bái. Người Ấn Độ cho rằng tay phải là tay thần thánh, tay trái là tay bất tịnh. Nhưng nếu 2 tay hiệp lại làm một thì trở thành sự hợp nhất giữa phương diện thánh thiện và nhiễm ô, cho nên hiệp chưởng là biểu hiện bộ mặt chân thật nhất của con người. Nghĩa "Bất cấu bất tịnh" trong Bát Nhã Tâm Kinh chính là ý này.
Trong các Kinh Luận có rất nhiều chỗ nói về hiệp chưởng, như Phẩm Phương Tiện Kinh Pháp Hoa (Đại 9,9 Hạ) ghi "Cung kính hiệp chưởng lễ"; Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Đại 12, 345 thượng) ghi: "Hiệp chưởng chắp tay, khen ngợi Chư Phật”. Ngoài việc biểu thị ý cung kính trong tâm, hiệp chưởng còn biểu thị ý trở về nguồn cội, đạt đến chỗ phi quyền, phi thật, sự lý khế hợp.
Theo Đại đường Tây vực ký 2, hiệp chưởng là cách thứ tư trong 9 cách lễ ở Ấn Độ. Mật Giáo phối hợp 2 tay với Kim Cang giới và Thai Tạng giới, hoặc lý và trí, hoặc định và huệ, đồng thời phối hợp 10 ngón với 5 đại, 10 Ba La Mật…
Ngoài ra, Đại Nhật Kinh Sớ 13 có nêu 12 cách hiệp chưởng như sau: 2 tay chắp chặt vào nhau các đầu ngón tay bằng nhau; 2 tay chắp lại, các đầu ngón tay bằng nhau, hơi rỗng ở giữa; các ngón tay bằng nhau chắp lại, lòng bàn tay phình ra hình hoa sen búp; chắp tay 2 ngón cái và 2 ngón út dính lại, các ngón kia hở ra, giống như hoa sen hàm tiếu; 2 bàn tay chạm đầu, ngửa lên; 2 tay cũng ngửa lên như trước, dáng khum lại như đang vốc nước; đặt ngón của bàn tay mặt lên trên ngón của bàn tay trái; 2 tay chắp ngược đầu nhau đặt tay phải lên tay trái; lưng 2 bàn tay đâu nhau, tay phải để ngửa trên lưng bàn tay trái; 2 bàn tay nằm ngửa, đầu 2 ngón trỏ đụng nhau; 2 bàn tay nằm úp, đầu 2 ngón trỏ đụng nhau; 2 bàn tay úp xuống hai ngón cái chạm nhau. 12 loại hiệp chưởng nay mang ý nghĩa sâu xa khác nhau.
Vận dụng:
Chấp tay “Xá chào Tăng, Ni”
Khi xá chào quí Tăng, Ni, Phật tử nên chấp tay thành hình sen búp thật đẹp, thật trang nghiêm. Chắp tay để ngay trước ngực (ngay ức, tức phần khuyết giữa ngực), xá chào thật sâu và chậm rãi để tỏ lòng thành kính với vẻ mặt đầy hoan hỷ, miệng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Lối chào này biểu hiện tình cảm đậm đà và đầy ý nghĩa. Chắp tay hình búp sen tượng trưng cho công đức đầy đủ, thanh tịnh; câu niệm Phật chính là để nhắc nhở về Phật tánh của mỗi người. Nhiều nước trên thế giới cũng lấy hình ảnh chắp tay niệm Phật này để chào nhau. Vì thế, không cần biết vị tu sĩ đó tuổi nhỏ hay lớn, giới phẩm cao hay thấp, chỉ cần mang hình tướng Tăng bảo chúng ta nên xá chào như cung kính một đức Phật, bởi Tăng, Ni chính là đại diện cho Tam bảo. Xá chào ở đây là xá chào Phật tánh của nhau, chứ không phải chào tuổi tác hay xã giao.
Mặt khác, xá chào cung kính còn là cách làm giảm đi lòng tự cao, tự đại (ngã mạn). Vì khi chúng ta khởi tâm khinh mạn chúng ta sẽ mất tất cả, mất đi bản tâm thanh tịnh, mất lòng từ bi và trí tuệ của mình, không thể thành tựu đạo giải thoát.
Chấp tay lễ Phật
Phật tử khi vào chính điện phải nghiêm trang, đi đứng từ tốn thân tâm thanh tịnh, không mang dày dép vào. Khi vào điện thờ thì nên đi về hướng. Khi tụng kinh phải chắp tay ngang ngực, ngón tay không so le, bàn tay khít, mắt nhìn thẳng, chân đứng hình chữ bát thẳng thớm. Tụng kinh phải đều đặn không quá to cũng không quá nhỏ. Khi lễ Phật thì phải gieo 5 vóc xuống đất (đầu, hai cùi tay, hai đầu gối), không nên đứng giữa chính điện mà lạy, lạy xong nên bước lui không nên quay lưng lại.
Khi tụng những kinh không thuộc nếu cầm kinh thì phải kính cẩn như kính cẩn Phật. Khi chào người thì tuyệt đối không cầm kinh mà chào, nếu không có chỗ để kinh thì ôm kinh vào ngực rồi cúi đầu chào chứ không được cầm kinh mà xá người.