Tiếng chuông chùa là âm thanh có tác dụng cảnh tỉnh, tức là nó mang tính gợi mở, tính nhắc nhở cho tâm hồn con người, đồng thời trong tiếng chuông chùa chứa đựng nhiều thiền vị, tức là những ý vị mang tính thâm trầm mà mênh mông của ý nghĩa Đạo Thiền.
Chẳng hạn người ta tìm thấy trong tiếng chuông đầy âm vang của Đại Hồng Chung trong hai hồi triêu – mộ, cũng như tiếng chuông gia trì trong các thời khóa tụng có tính chất cảnh tỉnh và có chứa nhiều thiền vị nhất.
Mục đích đầu tiên của sự thực hành trong Đạo Phật là làm cho tâm hồn con người có được Chánh Niệm. Chánh Niệm là sự tập trung tâm hồn một cách sâu lắng để theo dõi rồi nhận ra một hiện tượng hay một đối tượng, nhận ra một cách sâu sắc về mọi mặt của hiện tượng ấy. Tiếng chuông chùa là một phương tiện để làm cho tâm hồn con người có được Chánh Niệm. Thật may mắn cho những ai hằng ngày nghe được tiếng chuông chùa : Văn chung thinh, phiền não khinh, trí tuệ trưởng, Bồ đề sinh….
Bốn câu kệ nói lên tác dụng rất diệu kỳ của tiếng chuông đối với người Phật tử nghe chuông có chánh niệm, tức là khi nghe chuông mà tâm ta tập trung để theo dõi tiếng chuông thi nghe rõ trong tiếng chuông có khả năng làm vơi nhẹ những phiền não như buồn, giận, yêu, ghét, mặc cảm, khổ đau ..v.v trong tâm ta. Khi cái màn đêm tối trong tâm được xua đuổi thì trí tuệ của ta loé sáng lên, ngày càng tăng trưởng, chúng ta nhờ có trí tuệ tăng trưởng mà nhận ra những gì là bản chất của sự vật, đâu là cái lý vô thường, vô ngã của các pháp, chúng ta cũng thấy sự vô thường, sự bất tịnh, sự giã tạo…của chính bản thân ta. Từ đó tâm ta dần dần phát sinh các quyết định lớn lao là đeo đuổi đạo Giác ngộ đến cùng, đeo đuổi sự nghiệp xoá bỏ phiền não, giữ cho tâm hồn trong sáng mãi.
Như vậy thì tiếng chuông chùa có khả năng cảnh tỉnh tâm hồn ta, tức là có khả năng gợi nhắc, làm bùng vỡ nơi tâm hồn ta những khả năng tốt đẹp, xua đuổi những tâm lý tiêu cực, xấu, ác. Đó là bước đầu khi ta bằng chánh niệm tiếp xúc với tiếng chuông chùa.
Ở tiếng chuông chùa chúng ta cũng nghe được thiền vị trong đó. Thiền vị là ý vị, tính chất của thiền, ý vị thiền là sự tĩnh lặng, sự yêu thương, sự lắng lòng… với bao ý thơ, ý nhạc xuất phát từ tiếng chuông chùa.
Thế kỷ thứ 8 đời Đường, Trung Quốc, Trương Kế khi đến bến Phong Kiều đã xúc cảm với cảnh đêm thanh trên sông vắng lẫn tiếng chuông ở Hàn San Tự :
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền .
Nhà thơ Tản Đà đã dịch :
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sâu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Tính thiền vị của tiếng chuông chùa làm cho tâm hồn ta lâng lâng hứng khởi, do vậy mà tiếng chuông chùa từ xưa là một nguồn thơ của những thi nhân, cũng là động lực gợi mối thuỷ chung, tạo nên sự bền vững của những mối tình quê hương truyền thống.
Phan Thanh Đào |