Một công trình không đồ sộ nhưng mang tính khoa học nghiêm túc, thể hiện sự dày công nghiên cứu của nhóm biên soạn, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc một lượng kiến thức khá toàn diện về văn hóa Phật giáo nói chung cũng như lịch sử ra đời và tồn tại của hệ thống chùa, cơ sở thờ tự ở Bình Dương nói riêng. Đây còn là một công trình khoa học có sự sưu tầm và dịch nghĩa chữ Hán từ những câu liễn, đối, thơ giàu ý nghĩa mà nhóm biên soạn đã thực hiện được.
Ngay từ lời nói đầu, cuốn sách đã cho người đọc hiểu phần nào sự phát triển của Phật giáo trên đất Bình Dương xưa: “… Giống như các phần đất thuộc miền Đông Nam bộ, đạo Phật đã có mặt ở Bình Dương khá sớm, vào giữa thế kỷ thứ XVII, các nhà sư theo chân các lớp di dân từ miền Trung đi lập nghiệp, cũng vào đây dựng am, lập chùa để tu hành và hoằng pháp. Về sau còn có các nhà sư Trung Quốc trong nhóm lưu dân người Hoa “phản Thanh, phục Minh” đi bằng đường thủy xin định cư tại vùng đất mới phía Nam Việt Nam, cũng đến đây hành đạo. Tập trung hơn cả là nhóm người Hoa của tướng Trần Thượng Xuyên… đến ở vùng Cù lao Phố, Bàn Lăng (Đồng Nai, Biên Hòa) và một số vùng lân cận Tân Uyên, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một…”.
Với những con đường truyền bá Phật giáo như nhóm biên soạn đã trình bày, đạo Phật ở Bình Dương đã có điều kiện phát triển. Trên đất Bình Dương bây giờ còn tồn tại những ngôi chùa cổ có niên đại trên 300 năm (chùa núi Châu Thới, chùa Hưng Long). Ở đây còn có những ngôi chùa trên dưới 200 năm tuổi như Hội Khánh, Long Thọ, Long Hưng…
Người đọc dù chưa có điều kiện đến thăm và tìm hiểu chùa chiền ở Bình Dương, nhưng tôi tin khi nghiên cứu hết cuốn sách này sẽ hiểu khá thấu đáo về chùa, cơ sở thờ tự ở Bình Dương. Cuốn sách đã giới thiệu một cách khá chi tiết về niên đại, qui mô, kiến trúc đặc thù… của 24 ngôi chùa, cơ sở thờ tự mà nhóm biên soạn cho là tiêu biểu nhất về mặt danh lam và cổ tự của Bình Dương. Thông qua cuốn sách độc giả sẽ có những thông tin bất ngờ mà lâu nay ta cứ ngỡ… Ví như chùa núi Châu Thới (1681), chùa Hưng Long (1695) có niên đại trước cả thời điểm Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập các đơn vị hành chính (1698). Nếu như chùa núi Châu Thới được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ 19 năm trước (1989) thì chùa Hội Khánh sau đó 4 năm cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1993), nơi đây đã có thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) đã từng đến tá túc và lập nên Hội Danh dự để cổ vũ cho truyền thống văn hóa và lòng yêu nước của dân tộc.
Với bài giới thiệu về Tây Tạng tự, tác giả Nguyễn Hiếu Học đem đến cho người đọc một bất ngờ khá thú vị. Bất ngờ ở chỗ đây là ngôi chùa duy nhất của cả nước chịu ảnh hưởng, nhất là về kiến trúc của môn phái Phật giáo mật tông- Lama Tây Tạng. Vị tăng khai sáng chùa là một trong số ít nhà sư Việt Nam đầu tiên sang du học tại Ấn Độ- Tây Tạng những năm 30 thế kỷ trước.
Trong phạm vi một bài giới thiệu về cuốn sách Bình Dương danh lam cổ tự, thật lòng chúng tôi chỉ muốn điểm qua sơ lược những chi tiết bất ngờ mà cuốn sách dã cung cấp. Cuốn sách còn chứa đựng một lượng kiến thức khá lớn về những ngôi chùa ở Bình Dương và không thiếu những khám phá bất ngờ hơn. Chính vì vậy, người viết xin dành những bất ngờ để độc giả tìm hiểu khi tiếp cận với cuốn sách này.